“Loạn” camera chống trộm

Chỉ cần trong túi rủng rỉnh vài ba trăm ngàn đồng và ghé vào bất kỳ cửa hàng điện tử nào ở TPHCM, người ta cũng có thể mua một chiếc máy quay phim để chống trộm và có thể kiêm luôn… quay trộm. Hiện nay, có thể nhìn thấy camera chống trộm ở khắp nơi, từ những nơi công cộng như nhà hàng, công viên… cho đến những nơi rất riêng tư như thẩm mỹ viện, massage, phòng ngủ khách sạn, phòng thử đồ ở cửa hàng…

 

Không khó để tìm được những bằng chứng ở các trang web “mát mẻ” trên mạng mà đa số nạn nhân không hề biết ảnh “nóng” của mình đang bị lưu truyền trên đó. Từ người của công chúng như diễn viên, nghệ sĩ, người mẫu… cho đến những người bình thường đều bị camera quay lén tấn công.

 

Bát nháo chợ camera cá nhân

 

Kiên, chủ một cửa hàng trên đường Sương Nguyệt Anh, quận 1, khoát tay lướt một vòng gian hàng với hàng chục loại camera xếp ngổn ngang trên các giá bày rồi tự tin giới thiệu: “Mua loại nào cũng có”.

 

Kiên xếp loại máy quay chống trộm trên thị trường thành ba dòng hàng. Loại nhỏ hơn ngón tay cái, chất lượng hình ảnh bình thường, chỉ quay được trong ánh sáng ban ngày, giá từ 200 - 400 ngàn đồng. “Nếu treo chiếc áo sơ mi lên tường, giúi ống kính lòi qua khuy áo hướng về đối tượng thì đảm bảo dù dân trong nghề cũng bó tay”, Kiên tiếp thị. Loại trung bình, to bằng cổ tay, chất lượng hình ảnh khá hơn, quay được cả trong bóng tối thì giá từ 700 - 900 ngàn đồng.

 

Loại “mới nhất”, được thiết kế (hay nguỵ trang) như chiếc đèn ngủ gắn trên tường, có thể điều khiển hình ảnh, độ sáng tối từ xa, giá khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng. Kiên nhấn mạnh: “Số lượng bao nhiêu cũng có. Hàng lậu nên không có hoá đơn đâu. Thử tại chỗ nếu đồng ý thì lấy về dùng, không bảo hành”.

 

Dạo qua một số nơi khác, các chủ cửa hàng đều không ngần ngại mời chào, quảng cáo những tính năng “siêu nhỏ, siêu trộm”, thẳng thừng giới thiệu các loại máy quay là hàng nhập lậu, nguồn gốc từ Trung Quốc.

 

Chị Huyền, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh vật tư ngành ảnh trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 cho biết: “Thực tế, người tìm mua những loại mặt hàng này đều là thanh niên, không ít người ngay từ khi mua đã tỏ ý định sẽ sử dụng vào những việc mờ ám. Với các doanh nghiệp, cá nhân thực sự có nhu cầu gắn máy quay chống trộm, họ thường tìm đến các công ty chuyên doanh dịch vụ đảm bảo an ninh. Giá cả có mắc hơn nhưng hệ thống được đồng bộ, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn”.

 

Cần có những quy định cụ thể

 

Theo luật sư Hồ Thị Tiến (Công ty TNHH Sài Gòn luật), việc lắp camera chống trộm là điều rất nên làm để bảo vệ mình.

 

Tuy nhiên, bà nói: “Không phải thích lắp ở đâu thì lắp, xâm phạm trắng trợn đời tư người khác rồi vin vào lý do chống trộm là không được”. Bà Tiến dẫn chứng trường hợp một phó phòng giáo dục và đào tạo ở Kiên Giang đã gắn camera vào phòng tắm nhà một nữ bác sĩ cuối năm ngoái. Sự việc vỡ lở khi nạn nhân đang tắm, điện đột ngột bị cúp mà camera vẫn… chớp đèn đỏ. Trả lời cơ quan điều tra vì sao gắn máy quay ở nhà tắm nhà người khác, ông cho rằng mình… thử máy quay chống trộm.

 

Luật sư Nguyễn Minh Luận, trưởng văn phòng luật sư Luận và liên danh cho biết luật đã nghiêm cấm sử dụng hình ảnh của người nào đó để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ. Ngoại trừ các cơ quan chức năng sử dụng camera giám sát ở những nơi công cộng, dùng vào mục đích bảo đảm an ninh trật tự hay lắp đặt ở những nơi đông người như siêu thị, nhà sách... thì việc để các cá nhân có thể dễ dãi mua và lắp đặt máy quay ở bất kỳ nơi nào là không ổn vì có thể xâm phạm đời tư cá nhân.

 

Ông Luận nói: “Nếu người xấu dễ dàng mua camera rồi sử dụng vào những mục đích xấu như quay lén trong khách sạn, nhà nghỉ thì hậu quả không thể lường được cho những người vô tình thành nạn nhân…”.

 

Cũng theo luật sư Luận, cho đến nay, vẫn chưa có quy định nào về vấn đề lắp đặt camera chống trộm. Trong nghị định 56 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin, cũng không có điều khoản nào liên quan đến những hành vi như lạm dụng camera chống trộm.

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền hội Luật gia TPHCM cho biết, bộ luật Dân sự đã có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. Khi sử dụng hình ảnh của ai, phải được người đó đồng ý.

 

Ông Hậu đề nghị: “Tôi không phản đối lắp đặt máy quay nhằm chống trộm. Nhưng để người có mục đích xấu có thể dễ dàng mua được máy quay trộm với giá rẻ ở bất cứ ngóc ngách nào là không được. Rất khó kiểm soát người sử dụng, nhưng chúng ta có thể hạn chế hậu hoạ bằng cách siết chặt quản lý các cửa hàng kinh doanh loại hàng này. Đưa loại hàng này vào danh mục hàng hoá kinh doanh có điều kiện như dịch vụ khắc dấu, kinh doanh vũ trường… là điều nên làm”.

 

Theo T.Khải - M.Minh

Sài Gòn tiếp thị
Scroll
G

0971 483 777